Nguyễn Hữu Nam, 60 tuổi:
Tôi bị thoát vị đĩa đệm có thể chơi thể thao được hay không? Và tôi nên chơi những bộ môn nào để không bị nặng hơn
⇒Thạc sĩ BSCK2 Trần Đức Vinh
Câu trả lời là có, bạn hoàn toàn có thể chơi một số môn thể thao khi bị thoát vị đĩa đệm, nhưng trước tiên trong giai đoạn viêm và đau bạn có thể cần phải ngưng các môn thể thao và hoạt động có tác động mạnh trong một thời gian để cột sống phục hồi. Nếu môn thể thao nào khiến bạn bị đau do thoát vị đĩa đệm, bạn không nên quay lại chơi môn thể thao đó cho đến khi được bác sĩ điều trị đồng ý.
- CÁC MÔN THỂ THAO NÊN TRÁNH KHI BỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM
Nên tránh bất kỳ môn thể thao nào gây áp lực lên cột sống khi bạn bị thoát vị đĩa đệm cấp tính.
Trước tiên chúng ta cần tìm hiểu khái niệm về lực tải nén ép dọc trục hay gọi nôm na là tải trọng dọc trục (trục ở đây là trục dọc của cơ thể bạn). Tải trọng dọc trục là một lực nén lên các đĩa đệm cột sống. Nếu bạn mang một vật nặng trên đầu, bạn sẽ phải chịu tải trọng dọc trục cao. Những môn thể thao đòi hỏi phải uốn cong cột sống nhiều cũng nên tránh.
Một số môn thể thao nên tránh khi bị chấn thương thoát vị đĩa đệm bao gồm :
- Bóng rổ
- Quần vợt
- Bóng chuyền
- Thể dục dụng cụ
- Yoga với các tư thế làm căng cột sống
- Cử tạ (đặc biệt là nâng vật nặng, bài squat, ép chân, nâng vai)
- Bóng đá
- bóng bầu dục
- Chạy bộ
- Golf
- Lặn
- Bowling
2. CÁC HOẠT ĐỘNG THỂ THAO MÀ BẠN CÓ THỂ CHƠI KHI BỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM
Không phải tất cả các môn thể thao đều phải tránh khi bạn bị thoát vị đĩa đệm. Trên thực tế, tập thể dục có thể giúp cơ thể hồi phục. Các bài tập aerobic cường độ thấp, không gây áp lực hay căng cứng cho lưng thường được các bác sĩ phẫu thuật cột sống và các chuyên gia khác khuyên dùng trong quá trình phục hồi thoát vị đĩa đệm.
Nếu bác sĩ cho phép, các bài tập bạn có thể thực hiện khi bị chấn thương thoát vị đĩa đệm bao gồm:
- Đi bộ chậm
- Thể dục nhịp điệu dưới nước
- Đạp xe trên địa hình bằng phẳng hoặc trên máy đạp xe tại chỗ
- Các bài tập lặp đi lặp lại nhiều lần với trọng lượng thấp (ví dụ: tập với dây kháng lực)
- Bơi lội
3. RỦI RO KHI CHƠI THỂ THAO KHI THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM LÀ GÌ?
Nguy cơ chính lúc chơi thể thao khi bị thoát vị đĩa đệm là tình trạng thoát vị sẽ nặng hơn. Một khi đĩa đệm cột sống đã thoát vị, các lực tác động lên cột sống không chỉ gây đau và các triệu chứng khác mà các đĩa đệm lân cận có thể bị thoát vị thêm và chèn ép các dây thần kinh, rễ thần kinh và thậm chí cả chính tuỷ. Trở lại chơi thể thao quá sớm sau chấn thương vùng lưng cấp tính có thể làm chậm quá trình hồi phục và thậm chí gây tổn thương lâu dài cho cột sống của bạn. Để đối phó với các cơn đau lưng này bạn có thể giữ hoặc cử động cơ thể mình theo cách khác đi (ví dụ khom lưng hoặc gồng cơ lưng nhiều hơn,..) nhưng chính điều này có thể làm căng cứng và thậm chí làm tổn thương cơ và mô mềm của bạn (như thực hiện kỹ thuật cử tạ không chính xác).
4. TRÁNH THÊM TỔN THƯƠNG CHO LƯNG CỦA BẠN KHI HOẠT ĐỘNG THỂ THAO
Cách tốt nhất để tránh tổn thương thêm ở lưng sau khi thoát vị đĩa đệm là dành thời gian để hồi phục, có nghĩa là bạn phải nghỉ ngơi một thời gian. Hầu hết mọi người sẽ cần khoảng một đến hai tuần nghỉ ngơi sau một chấn thương cấp tính. Nghỉ ngơi ở đây không phải là nằm yên một chỗ mà là giảm hoạt động của bạn so với trước khi bị chấn thương, ví dụ: chuyển từ thể dục nhịp điệu cường độ cao sang thể dục nhịp điệu dưới nước.
Có thể an toàn để trở lại chơi thể thao nếu:
- Cơn đau của bạn đã biến mất hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn
- Phạm vi chuyển động ở cổ hoặc lưng dưới của bạn là bình thường hoặc gần như bình thường
- Các cơ lưng và cột sống của bạn đã lấy lại được trương lực và sức mạnh
- Bạn có sức chịu đựng như trước khi bị thoát vị đĩa đệm
Để đặt lịch khám tại Trung tâm chấn thương chỉnh hình BIAN, Quý khách vui lòng liên hệ theo thông tin bên dưới để được hỗ trợ và giải đáp thêm về tình trạng này, cũng như đặt lịch khám nhanh chóng.