1. Viêm gân gót chân là gì?
Viêm gân gót chân là tình trạng gân Achilles hoạt động quá mức dẫn đến sự quá tải về lực và trọng lực, làm tổn thương vùng gót chân. Phần gân Achilles là nơi có khá ít mạch máu, cách chỗ bám vào xương gót 3 – 6cm. Cấu tạo của gân gồm nhiều sợi nhỏ nên chỉ cần một tác động bất ngờ cũng đủ gây nên chấn thương gót chân
Viêm gân Achilles được phân chia thành 2 loại:
- Viêm điểm bám gân Achilles: Loại này tác động đến nơi thấp nhất của gân, chỗ gắn vào xương gót chân.
- Viêm sợi gân: Xảy ra ở bất cứ vị trí nào khác với nơi bám vào xương gót của sợi gân. Loại viêm gân gót chân này thường gặp ở người trẻ tuổi hoạt động nhiều.
- Các triệu chứng hay gặp của viêm gân Achilles bao gồm:
- Đau và cứng dọc theo gân vào buổi sáng.
- Đau dọc theo gân hoặc phần sau của gót chân và tăng nặng lên khi vận động.
- Đau nhiều vào ngày hôm sau khi vận động.
- Sự dày lên của gân.
- Chồi xương (trong trường hợp viêm tại điểm bám gân).
- Sưng nề, và tăng nặng hơn khi vận động.
- Nguyên nhân viêm gân gót
Các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng viêm gân Achilles như:
- Không khởi động hoặc khởi động sai cách trước khi tập thể dục.
- Bị căng cơ chân khi thực hiện những động tác lặp lại nhiều lần.
- Chơi các môn thể thao yêu cầu đổi hướng, di chuyển nhanh như bóng đá, quần vợt, bóng rổ, bóng chuyền…
- Gia tăng các hoạt động thể chất đột ngột mà không cho cơ thể thời gian thích nghi.
- Đi giày không vừa chân, giày quá cũ hoặc chất lượng kém.
- Mang giày cao gót liên tục trong thời gian dài.
- Xuất hiện gai xương ở phía sau gót chân (gai gót chân).
- Thoái hóa gân do tuổi tác
Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ tổn thương gân gót chân gồm:
- Giới tính: Bệnh phổ biến ở nam giới.
- Tuổi tác: Người càng lớn tuổi nguy cơ bị viêm gân Achilles sẽ càng cao. Vì khi đó, máu lưu thông tới khu vực gân bàn chân đã giảm. Tình trạng này làm cho gân gót chân mất đi sự linh hoạt, dẻo dai và đàn hồi. Vì thế, bất kỳ tác động nào diễn ra cũng có khả năng làm tổn thương gân Achilles.
- Người mắc hội chứng bàn chân bẹt có nguy cơ bị viêm gân gót chân cao. Nguyên nhân là do sức nặng cơ thể khi đó sẽ đổ dồn nhiều lên gân gót chân, tạo áp lực lớn lên khu vực này, dễ gây viêm gân Achilles.
- Mắc các bệnh lý: Người bệnh vảy nến hay tăng huyết áp có tỷ lệ gân gót chân bị viêm cao hơn so với người không mắc bệnh.
- Ảnh hưởng của thuốc: Một số loại thuốc kháng sinh như fluoroquinolones có thể làm gia tăng nguy cơ viêm gân gót chân Achilles.
- Viêm gân gót có nguy hiểm không
Viêm gân Achilles nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời thì có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như :
- Đau nhiều hơn
- Hạn chế khả năng đi lại
- Gân/xương gót bị biến dạng
- Nguy hiểm nhất là gân Achilles bị rách hoàn toàn.
Vậy viêm gân gót chân có nguy hiểm không? Câu trả lời là có. Ngay khi có dấu hiệu bị viêm gân Achilles bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị nhanh chóng và kịp thời.
- Cách phương pháp điều trị
5.1. Rice
Phần lớn trường hợp chấn thương nhẹ đều có thể tự khỏi khi người bệnh biết cách chăm sóc tốt. Bạn có thể áp dụng phương pháp sơ cứu chấn thương R.I.C.E để điều trị viêm gân gót chân tại nhà, cụ thể:
- Rest – nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi sẽ giúp cơ thể sản sinh nguồn năng lượng mới, nhờ đó tăng khả năng phục hồi cho tổn thương gân. Biện pháp này còn giúp giảm áp lực đè nén lên hệ xương, gân gót chân, giúp gân thư giãn và mau lành hơn. Người bệnh nên nghỉ ngơi cho tới khi có thể đi lại mà không còn cảm giác đau ở bên chân bị viêm gân.
Ngoài ra, trong quá trình nghỉ ngơi, nếu muốn di chuyển, bạn nên sử dụng nạng để chống đỡ, hạn chế gây áp lực lên chân.
- Ice – chườm đá: Người bệnh có thể đặt một túi nước đá lên vùng bị thương khoảng 15 – 20 phút để giảm đau và sưng tấy.
- Compression – băng ép: Bạn hãy dùng băng vải hoặc băng thun để cố định vùng bị thương, giúp giảm sưng cho gân. Tuy nhiên, bạn không nên băng quá chặt vì có thể làm cản trở lưu thông máu tới vùng gót chân, khiến tình trạng tổn thương trầm trọng hơn.
- Elevation – kê cao vị trí bị thương: Người bệnh nên nâng chân bị thương cao hơn tim, giúp giảm sưng và giảm đau hiệu quả.
5.2. Dùng thuốc
Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau hay thuốc chống viêm không kê đơn như naproxen, ibuprofen, aspirin… Với các trường hợp đau nhức trong thời gian dài, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc giảm viêm hay giảm đau liều mạnh để cải thiện triệu chứng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho người bệnh tiêm huyết tương tiểu giàu tiểu cầu (PRP) hay tiêm steroid.
5.3. Vật lý trị liệu
Bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu có thể đề nghị người bệnh thực hiện một số liệu pháp điều trị viêm gân gót chân như:
- Thực hiện những bài tập trị liệu giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương, hỗ trợ tăng cường sức mạnh của gân Achilles và hạn chế các nguy cơ viêm tái phát.
- Người bệnh nên sử dụng các thiết bị hỗ trợ như miếng đệm hay miếng lót giày nâng cao để giảm căng thẳng cho gân.
5.4. Phẫu thuật gân Achilles
Trường hợp viêm gân gót Achilles nghiêm trọng, gân bị rách hoàn toàn thì phương pháp phẫu thuật sẽ được bác sĩ cân nhắc. Một số cách phẫu thuật có thể kể đến như cắt bỏ cơ bụng chân; cắt lọc, sửa chữa gân và cắt lọc, chuyển gân. Thế nhưng, phẫu thuật để lại khá nhiều rủi ro như nhiễm trùng, vết thương lâu lành và khả năng tái phát bệnh trong tương lai.
6 Cách biện pháp phòng ngừa
Khoảng 80% tổn thương gân ở mức độ rách một phần nhỏ có thể hồi phục trong thời gian từ 3 đến 6 tháng hoặc lâu hơn khi điều trị bảo tồn như nghỉ ngơi, tránh các bài tập nặng và khó.
- Khi chơi thể thao, cần khởi động kỹ lưỡng, kéo dãn gân cơ đủ thời gian trước và sau luyện tập
- Đi giày phù hợp cho khi chơi mỗi loại hình thể thao.
- Điều chỉnh cường độ chơi nếu thấy bất kỳ một cảm giác khó chịu nào mới xuất hiện vùng gót và bắp chân sau.
- Nếu đau vùng gót và bắp chân sau, cần đi khám sớm nhất để tránh các biến chứng đứt gân Achilles sau này.