Viêm khớp là tình trạng viêm, sưng đau ở một khớp như khớp đầu gối, khớp háng, khớp vai, khớp cổ tay, khớp cổ… Đây là một bệnh lý thường gặp, ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động của khớp, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và thực hiện các công việc hàng ngày.
Viêm đa khớp là tình trạng bị đau nhức nhiều khớp (4 – 5 khớp hoặc hơn) do viêm. Bệnh chủ yếu xảy ra ở những khớp nhỏ như khớp bàn tay, cổ tay, bàn ngón tay, khớp khuỷu,… Tình trạng này thường liên quan đến các bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, lupus, hội chứng Sjogren…Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể phát triển sau nhiều lần nhiễm siêu vi.
Bệnh viêm khớp bao gồm nhiều loại khác nhau, mỗi loại sẽ có nguyên nhân riêng tuy nhiên có thể chia thành hai nhóm nguyên nhân sau:
- Các nguyên nhân tại khớp: thường gặp như viêm sụn, thoái hóa, bào mòn sụn khớp, nhiễm khuẩn tại khớp, chấn thương khớp..
- Các nguyên nhân ngoài khớp: thường gặp do các rối loạn chuyển hóa (tăng acid uric trong bệnh gút), bất thường hệ thống miễn dịch gây tổn thương các thành phần trong khớp (bệnh viêm khớp dạng thấp) các tình trạng này làm ảnh hưởng tới hoạt động và cấu trúc của khớp từ đó gây viêm khớp.
Bệnh viêm đa khớp còn có thể bắt nguồn từ:
- Viêm khớp đối xứng: Các loại viêm tự phát, viêm khớp dạng thấp kinh niên, viêm khớp Juvenile, phản ứng thuốc hay bệnh Lupus.
- Viêm khớp không đối xứng: Bệnh Gout, viêm khớp do vảy nến, viêm khớp phản ứng (viêm khớp xảy ra do phản ứng của cơ thể với các loại vi khuẩn).
- Nhiễm trùng virus: Các loại virus gây ảnh hưởng có thể kể đến Parpovirus, virus viêm gan, quai bị, virus Ross River, sởi và HIV.
- Các bệnh chuyển hóa: Suy gan và suy thận, thống phong giả (do hình thành tinh thể quanh khớp), bệnh Gout.
- Các trường hợp thoái hóa cấu trúc như thoái hóa khớp (do sụn xương bị hao mòn).
- Do các bệnh nhiễm trùng: bệnh Lyme, bệnh Well, bệnh lao và bệnh Whipple.
- Bệnh viêm mạch máu: Viêm mạch ( các mạch máu bị tấn công do hệ miễn dịch) hoặc viêm khớp tế bào (cản trở lưu thông máu trong động mạch).
- Bệnh nội tiết.
Cách chữa bệnh bằng thuốc
Các loại thuốc thường được sử dụng để giảm đau do viêm khớp như:
- Thuốc giảm đau: Là loại thuốc giảm đau nhưng không có tác dụng giảm viêm, ví dụ như Paracetamol, Tramadol…
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Thuốc có tác dụng giảm đau và giảm viêm, bao gồm: Ibuprofen, Naproxen natri. Một số loại thuốc NSAID còn có sẵn dưới dạng gel, kem, miếng dán được chỉ định cho từng vị trí khớp cụ thể.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Methotrexate, Hydroxychloroquine có thể được chỉ định để làm chậm hoặc ngăn chặn hệ thống miễn dịch tấn công các khớp.
- Thuốc có tác dụng chống thoái hóa tác dụng chậm: Ví dụ điển hình là Glucosamin…
- Thuốc chứa Corticosteroid: Có tác dụng giảm viêm, giảm sưng, đỏ da, viêm khớp.
Dùng thuốc có thể “cắt” nhanh cơn đau, nhưng lưu ý khi sử dụng thuốc cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa hoặc hướng dẫn của dược sĩ.
Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật)
Trong một số trường hợp, bệnh viêm khớp tiến triển nặng, các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả hoặc khớp không cử động được, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này tồn tại nhiều rủi ro cho sức khỏe như nhiễm trùng, gây đau đớn và mất nhiều thời gian hồi phục.
Thường xuyên tập luyện thể thao, ăn uống lành mạnh
Đây là cách chữa viêm khớp đơn giản, dễ dàng thực hiện tại nhà. Bằng cách thường xuyên tập luyện thể thao và thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày sẽ góp phần cải thiện phần nào các cơn đau do viêm khớp.
Về chế độ ăn uống, người bệnh nên tăng cường bổ sung các loại ngũ cốc, rau củ và trái cây, cá, các loại hạt, đậu, dầu oliu. Tránh thực phẩm tinh chế, chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là liệu pháp điều trị sử dụng các bài tập giúp tăng cường các cơ xung quanh khớp bị ảnh hưởng. Dựa trên thể trạng và mức độ viêm khớp của người bệnh, bác sĩ sẽ thiết lập cho họ những bài tập phù hợp nhằm giảm đau, tăng sự linh hoạt cho khớp và tăng phạm vi cử động của khớp. Một số bệnh viêm khớp ở mức độ nhẹ và trung bình có thể được chữa khỏi sau một thời gian tập vật lý trị liệu.
Viêm khớp và viêm đa khớp không phải lúc nào cũng phòng ngừa được, tuy nhiên thực hiện các biện pháp sau sẽ giúp giảm nguy cơ và kiểm soát bệnh tốt hơn:
- Tập thể dục: các môn thể dục khác nhau có thể được lựa chọn tùy thuộc và độ tuổi và điều kiện cụ thể.
- Duy trì cân nặng trong giới hạn cho phép.
- Chú trọng việc bổ sung omega-3 vào chế độ ăn uống
- Đảm bảo an toàn trong lao động, hạn chế các chấn thương tới khớp.
- Ngồi và làm việc đúng tư thế.
- Khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các rối loạn chuyển hóa của cơ thể