Đứt dây chằng là gì?
Đứt dây chằng đầu gối là tình trạng một hay nhiều dây chằng ở đầu gối bị đứt hoặc rách do một chấn thương liên quan đến phần đầu gối. Phổ biến nhất là chuyển động xoay hoặc cắt đột ngột, động tác thường gặp ở các môn thể thao có tính đối kháng như bóng đá, bóng rổ, võ thuật…. Bên cạnh đó, tình trạng đứt dây dây chằng chéo cũng có thể xuất hiện do chấn thương có liên quan đến tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông
Có 4 vị trí dây chằng đầu gối gồm dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên trong và dây chằng bên ngoài. Trong đó, dây chằng chéo trước là vị trí dễ bị tổn thương nhất.
2. Các chấn thương đứt dây chằng thường gặp
Đứt dây chằng chéo trước (Anterior Cruciate Ligament – ACL), nằm ở vị trí trung tâm của đầu gối, có vai trò kết nối xương đùi với xương ống chân và điều khiển chuyển động. Đứt dây chằng ACL là dây chằng thường bị đứt nhất ở đầu gối.
Đứt dây chằng chéo sau là tình trạng khá hiếm gặp, ngoại trừ trường hợp tai nạn giao thông. Dây chằng chéo sau (Posterior cruciate ligament – PCL) cũng có vai trò liên kết xương đùi với xương ống chân ở đầu gối.
Đứt dây chằng bên ngoài hay dây chằng bên cạnh (Lateral collateral ligament – LCL) giúp nối xương đùi với xương mác, xương nhỏ hơn của cẳng chân nằm ở bên ngoài đầu gối. Dây chằng này hợp với đầu gối tạo thành góc hẹp và có chức năng giúp cho phần mặt ngoài của đầu gối được ổn định.
Đứt dây chằng chéo bên trong (Medial Collateral Ligament – MCL) kéo dài từ bên trong của đầu dưới xương đùi xuống đến phía trong đầu trên của xương chày. Dây chằng này giúp liên kết xương đùi với xương ống chân ở bên trong đầu gối. Đứt dây chằng bên trong xảy ra do tình trạng căng cơ hoặc chèn ép quá mức.
3. Nguyên nhân
Về mặt cấu trúc, dây chằng là những dải mô rất chắc chắn, rất khó bị đứt trong các hoạt động sinh hoạt đơn giản hàng ngày. Tổn thương dây chằng chỉ xảy ra trong trường hợp tập luyện thể dục, thể thao hay tai nạn giao thông, tai nạn lao động gây áp lực cho đầu gối với các hoạt động như:
- Đột ngột tăng tốc độ và thay đổi hướng
- Rơi đột ngột trong một cú nhảy
- Dừng đột ngột khi đang chạy
- Nhận một cú đánh trực tiếp vào đầu gối hoặc va chạm, như trong một pha tranh bóng
Bên cạnh đó, nguy cơ đứt dây chằng đầu gối còn đến từ những yếu tố sau:
- Phụ nữ có nhiều nguy cơ gặp chấn thương hơn nam giới do đặc điểm về của cơ thể, yếu tố sức mạnh của các cơ bắp và thường chịu ảnh hưởng bởi các nội tiết tố.
- Người thường chơi các môn thể thao có cường độ cao như: bóng đá, bóng rổ, thể dục dụng cụ và trượt tuyết…
- Người có điều kiện dinh dưỡng kém
- Người có các hoạt động thiếu khoa học trong sinh hoạt hàng ngày
- Người sử dụng giày dép không đúng với kích cỡ
- Người chơi thể thao nhưng thiếu đầu tư cho các thiết bị bảo hộ
- Người tập luyện trên bề mặt thiếu ổn định, điển hình như sân cỏ nhân tạo
4. Dấu hiệu
Khi dây chằng bị đứt, bạn có thể gặp các triệu chứng sau:
- Âm thanh tương tự tiếng nứt hoặc tiếng nổ nhỏ;
- Bầm tím, sưng và đau, đặc biệt khi có áp lực lên khớp;
- Vết lõm ở khớp nơi dây chằng bị rách;
- Co thắt cơ
- Giới hạn phạm vị hoạt động
- Khả năng vận động suy giảm, dẫn đến tình trạng khớp lỏng lẻo hoặc không thể cử động như bình thường.
- Có một số trường hợp sẽ không có dấu hiệu gì cả, nhưng sau một thời gian sẽ thấy teo cơ đùi và khả năng đi lại giảm
5. Đứt dây chằng có nguy hiểm không?
Những chấn thương liên quan đến đứt dây chằng chéo tác động đến các hoạt động bình thường của khớp gối, ảnh hưởng đến sinh hoạt và tập luyện. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng hơn chính là những biến chứng về sau của tình trạng này, cụ thể như:
- Nguy cơ viêm khớp gối: Người bị đứt dây chằng đầu gối có nguy cơ cao bị viêm xương khớp ở đầu gối.
- Teo cơ đùi: Tình trạng dây chằng gối bị đứt lâu ngày không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ gây khó khăn cho việc đi lại, có thể liệt cơ nếu để quá lâu
- Đi khập khiễng: Mâm chày bị xô lệch ảnh hưởng đến độ vững của khớp gối. Do đó, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi lại như bị đau, đi khập khiễng.
- Rách sụn chêm: Sụn chêm nằm giữa 2 đầu xương đùi và xương chày và rất bị tổn thương. Nhất là sau khi khớp gối mất vững, gây đau đớn và khiến người bệnh khó đi lại.
- Thoái hóa khớp gối: Tình trạng tổn thương khớp gối dai dẳng gây nên hiện tượng viêm nhiễm các thành phần cấu tạo nên khớp và tạo điều kiện khiến cho thoái hóa khớp gối.
6. Các phương pháp điều trị
Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ tổn thương của người bệnh. Dưới đây là một số phương pháp mà bác sĩ có thể chỉ định khi bạn bị đứt dây chằng đầu gối:
- Sơ cứu: Nếu chấn thương nhẹ, bạn có thể chỉ cần chườm đá lên vùng bị đau, kê cao chân và nghỉ ngơi nhiều hơn. Bạn có thể giảm sưng bằng cách quấn băng ace quanh đầu gối. Bạn cũng có thể chống nạng để giảm trọng lượng tác động vào đầu gối.
- Điều trị bằng thuốc: Bác sĩ có thể kê cho bạn dùng thuốc kháng viêm để giúp giảm sưng và đau.
- Nẹp gối: Một số người bị tổn thương dây chằng có thể khỏi bằng cách đeo nẹp đầu gối khi đi lại hoặc chơi thể thao.
- Vật lý trị liệu: Bạn có thể cần tập luyện một thời gian để đầu gối trở lại hoạt động bình thường. Khi tập, các chuyên gia trị liệu sẽ hướng dẫn bạn thực hiện bài tập để tăng cường các cơ xung quanh đầu gối, giúp bạn lấy lại toàn bộ chuyển động như ban đầu.
- Phẫu thuật: Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật khi dây chằng đầu gối của bạn bị đứt và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, vận động. Phẫu thuật có thể là mổ mở hoặc mổ nội soi. Tùy theo tình trạng cụ thể, các sĩ phẫu thuật sẽ nối lại dây chằng bị đứt hoặc thay thế bằng dây chằng nhân tạo để giải quyết triệt để các vấn đề của bạn. Nếu kết quả phẫu thuật tốt, kết hợp với vật lý trị liệu, người bệnh có thể quay lại với các môn thể thao yêu thích trong khoảng 12 tháng.
7. Phòng ngừa đứt dây chằng
- Khởi động đúng cách trước khi chơi thể thao
- Ngừng tập luyện nếu bạn thấy cơ thể mệt mỏi
- Chú trọng các bài tập tăng độ dẻo dai cho dây chằng
- Tránh các kỹ thuật sai khi chơi thể thao, hạn chế mang vác đồ vật nặng, cẩn thận với tai nạn xe cộ/tai nạn té ngã…
- Có chế độ dinh dưỡng giàu canxi để tăng cường độ dẻo dai cho dây chằng, phòng ngừa chấn thương
Để đặt lịch khám tại Trung tâm chấn thương chỉnh hình BIAN, Quý khách vui lòng liên hệ theo thông tin bên dưới để được hỗ trợ và giải đáp thêm về tình trạng này, cũng như đặt lịch khám nhanh chóng.