Viêm chóp xoay là tình trạng mà các gân cơ chóp xoay bị viêm, đôi khi kèm theo sự lắng đọng canxi ở gân gây đau nhức. Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên do thoái hóa khớp, chấn thương ở những người trẻ tuổi hoặc các chấn thương nhỏ tác động lên các sợi gân và cơ khớp vai.
Thống kê số liệu thực tế tại Việt Nam, khoảng 2% dân số mắc hội chứng viêm chóp xoay vai, chiếm 12,5% trong tổng số người mắc bệnh cơ xương khớp. Khớp vai là khớp hoạt động nhiều nhất trong các loại khớp nên chóp xoay (chóp quay) rất dễ bị tổn thương.
Khi mới khởi phát, viêm chóp xoay vai thường có biểu hiện nhẹ nên dễ bị phớt lờ, bỏ qua. Một vài dấu hiệu điển hình như:
- Vùng vai bị đau ở mức độ nhẹ khi hoạt động hoặc nghỉ ngơi.
- Phía trên khớp vai có dấu hiệu đau và sưng.
- Cơn đau trải dài từ phía trước khớp vai xuống mặt ngoài cánh tay.
- Khi chạm vào vùng vai hoặc nhấc cánh tay lên đột ngột, vùng vai có cảm giác đau nhức.
- Phát ra âm thanh “lách cách” khi hoạt động khớp vai.
Theo thời gian, tình trạng viêm chóp xoay sẽ tiến triển nặng hơn với các biểu hiện như:
- Cơn đau nhức dữ dội khiến người bệnh không thể nhấc cánh tay lên. Các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như chải tóc, mặc quần áo… cũng trở nên khó khăn.
- Nghiêm trọng hơn, với những người thuận bên phải, nếu bị viêm gân cơ chóp xoay vai phải sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và ngược lại.
- Các cơ vai yếu dần, không thể vận động khớp vai nhiều như lúc trước.
- Cơn đau thường xuất hiện về đêm, khiến người bệnh mất ngủ và phải đổi tư thế liên tục để cơn đau dịu đi.
- Ở những trường hợp nặng, cơ vai mất đi khả năng vận động kèm những cơn đau nhức liên tục.
Uống thuốc giảm đau
Một cách giảm đau do viêm chóp xoay vai khác là dùng thuốc giảm đau. Hiện nay, các loại thuốc giảm đau chống viêm không chứa Steroid được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ, đồng thời uống đúng liều lượng bởi thuốc này có thể gây đau dạ dày và xuất huyết tiêu hóa.
Tiêm Corticoid
Đây là một loại thuốc có tính kháng viêm mạnh, bác sĩ sẽ sử dụng để tiêm vào khớp vai giúp giảm tình trạng bị viêm gân chóp xoay. Nhưng để thực hiện phương pháp này đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn cao và quá trình thực hiện phải được đảm bảo vô trùng. Bởi nếu không cẩn thận sẽ dễ bị nhiễm trùng hoặc tràn máu vào ổ khớp sẽ gây ra biến chứng nặng nề, thậm chí là mất chức năng khớp vai vĩnh viễn.
Phẫu thuật
Khi tình trạng viêm gân chóp xoay đã diễn biến quá nặng và các phương pháp điều trị không xâm lấn không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Hiện nay, có 2 phương pháp phẫu thuật là mổ hở hoặc nội soi khớp vai. Bác sĩ sẽ làm rộng khoang dưới mỏm cùng vai, sau đó loại bỏ túi hoạt dịch viêm và tạo hình mỏm cùng vai.
Vật lý trị liệu
Tùy theo tình trạng của người bệnh, bác sĩ có thể thiết kế phác đồ điều trị vật lý trị liệu bao gồm các phương pháp như:xoa bóp nhẹ nhàng, liệu pháp lạnh – nóng, siêu âm, kích thích cơ điện và các bài tập để phục hồi chức năng. Phác đồ điều trị với vật lý trị liệu cũng có thể hướng dẫn bệnh nhân những cách an toàn hơn để thực hiện các hoạt động thông thường.